Khi viết bài này, tôi có thể khơi dậy “nỗi đau răng khôn” ở một số người vốn đã nhổ bỏ dự phòng vì sợ để lại sẽ mắc các biến chứng nặng nề như một số nha sĩ tư vấn, và có thể khiến một số trong giới “bác sĩ nha khoa” “nóng mắt” khi “can thiệp” vào chuyện nghề của họ.
Biết vậy nhưng vẫn làm, bởi nghĩ, trước thực tế “ nhổ răng khôn dự phòng biến chứng và hạn chế bệnh răng miệng” đang được phô ra trên trang web của các “trung tâm nha khoa” có cơ trở thành phong trào, rất cần có tiếng nói giúp người dân bình tâm phán xét một cách khách quan, khoa học.
Ở một đất nước mà tình trạng “tiến sĩ copy”, “giáo sư hàng chợ” nhan nhản, hơn 30 trường đại học, cao đẳng y tế, nhưng không một trường nào lọt tốp 350, rồi tốp 500 trường đại học hàng đầu Á châu, chứ chưa nói đến tốp 1000, 1500, 2000… của thế giới, thì việc người dân băn khoăn thực hư trước các giải thích, tư vấn của các cơ sở y tế như việc “dự phòng nhổ răng khôn trừ hiểm họa bệnh tật” là điều hết sức thực tế và cần thiết đưa ra phản biện giúp ổn định xã hội.
Ấy là chưa kể, tôi được đào tạo và được đánh giá là “chuyên gia y tế dự phòng”, “Sức khỏe cộng đồng”, thì việc phản biện một biện pháp dự phòng bệnh tật đưa ra như chuyện các nha sĩ đang làm với chiếc răng khôn của người dân Việt còn là thực thị trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội.
NỖI LO RĂNG KHÔN
Bạn đọc có thể kiểm chứng từ kinh nghiệm bản thân, tới việc đọc các trang web tiếng Việt hiện hành của giới nha sĩ về Răng Khôn- hay Răng số 8, để xem tôi tóm lược dưới đây có đúng hay không về “nỗi lo răng khôn” theo tư vấn của các nha sĩ.
Từ những gì tôi đã tiếp nhận qua trao đổi cá nhân, mạng xã hội, và cả thông tin trên các trang web của các trung tâm nha khoa, thì răng số 8 hay răng khôn được mô tả như là một “kẻ trễ tàu” với rất nhiều cái xấu tự thân! Trước hết là “mọc muộn”, rồi tệ hơn thế, “mọc chậm”, mọc là gây đau ( và đau được mô tả như là “biến chứng”); rồi nào là chen vào lấy chỗ khi các răng khác đã ổn đinh vị trí, đi kèm nhiều dị thường khác như: vị trí thì ở “chỗ tăm tối cùng tận”, tư thế mọc lại hay “đâm ngang, đâm xiên” vào răng số 7 thiết yếu, tạo cảnh “xô đẩy” dồn toa, lệch lạc.., và cả việc “nhiều chân, chìm sâu”, “nằm sát” đường đi của dây thần kinh hàm…. trong khi chức năng thì lại theo các nha sĩ “có cũng thế mà không có cũng chả thấy mất gì”, thậm chí coi răng số 8 có thân phận giống như “ruột thừa, là cái còn sót lại của tiến hóa” …
Chả có gì để cảm tình được với răng số 8 !
Và còn hơn thế nữa ! họ còn quy nó là căn nguyên gây ra “kẹt thức ăn, giắt răng, cao răng” nguồn gốc gây mất vệ sinh, gây bệnh tật, gây nhiều biến chứng hết sức nguy hiểm.., nên chỉ định “cần phải nhổ càng sớm càng tốt”. Họ quy luôn tình trạng các cụ thời xưa hay …bị móm (rụng răng sớm) cũng là do… không có điều kiện nhổ sớm “răng số 8”.! Với sự phát triển của công nghệ y học ngày nay, họ mạnh dạn đi xa hơn nữa, khuyên “nhổ hết cả 4 răng khôn cùng lúc trước khi nó kịp mọc” để trừ hậu họa. Xin trích một đoạn từ trang web của trung tâm nha khoa X (đường Phạm Ngũ Lão, tp, Hồ Chí Minh) cổ xúy cho nhổ răng khôn dự phòng: “..Với gây tê vùng và tiền mê hoặc gây mê để nhổ răng khôn với máy siêu âm Piezotome, trong một lần hẹn có thể nhổ 4 răng khôn trong vòng 1giờ 30 phút” .
Cơ chứng theo xu hướng này, chẳng mấy mà người dân Việt tiệt hết … răng khôn !
CÓ HAY KHÔNG MỘT SỰ “LỆCH LẠC” TRONG NHẬN THỨC VÀ HÀNH ĐỘNG?
Quả thực, là bác sĩ dự phòng, tôi rất băn khoăn khi thấy y học nước nhà phát triển “phương pháp dự phòng bệnh tật” theo xu hướng “ngoại khoa” “nhổ bỏ, cắt bỏ hàng loạt”! Trước đây, còn ở trường đại học Y Hà nội, tôi đã từng nghe một thầy bên bộ môn Tai-Mũi-Họng tâm sự hồ hởi cứ mỗi cuối tuần xách túi đồ “về thôn quê” đều đặn “nạo vài chục ca V.A”, nghe bạn đồng môn kể “mổ lấy thai mệt nghỉ”, và cũng tân mắt chứng kiến những người hàng xóm cứ đau răng đi khám thế nào cũng được nhổ… đôi ba chiếc. Và giờ đây, “phất triển nâng cấp”, cả khi sản phụ không có chỉ định ngoại khoa.. vẫn cứ mổ lấy thai, không đau răng, cũng cứ nhổ …răng khôn,… “để dự phòng hiểm họa”!
Chả lẽ, bà mẹ thiên nhiên “ấn định” sự có mặt của 4 chiếc răng số 8 trong hàm răng của mỗi con người chúng ta đang mang lại “kém cỏi” tới mức chả đưa lại được chức năng đáng kể nào trừ tạo thêm mầm mống bệnh tật răng miệng như một số nha sĩ giải thích?
THỰC HƯ CHIẾC RĂNG SỐ 8
Bà mẹ thiên nhiên cho chúng ta tới những 4 chiếc răng số 8, mọc lên ở độ tuổi được xem là đã lớn khôn (phổ biến từ 17-25 tuổi), vì thế chúng mang tên dân dã là “răng khôn”. Nếu hình dung hai hàm răng trên và dưới như những chiếc lược, thì răng số 8 đóng vai trò “chốt chặn” ở hai đầu cho mỗi chiếc “lược răng” này.
Hãy quan sát chiếc lược trong cuộc sống hàng ngày, để nhận ra đặc điểm phải có của “các chốt chặn”, từ đó lý giải các đặc điểm “dị thường” của răng số 8.
Bạn có thấy hình dáng to khỏe của hai chiêc chốt chặn trên chiếc lược ngoài đời? Bạn có nhận ra sự vững mạnh của những chiếc răng lược khi chốt chặn hai đầu tồn tại? Bạn nghĩ gì khi bẻ đi hai chốt chặn trên?
Thực tế cho thấy, chẳng bao lâu, các răng lược bên trong dù thẳng hàng, dù “đều chặn chặn” chẳng mấy mà gục ngã trước áp lực vốn khả dĩ chịu đựng tốt trước đây khi còn hai chốt chặn!
Thực tế cho thấy, chẳng bao lâu, các răng lược bên trong dù thẳng hàng, dù “đều chặn chặn” chẳng mấy mà gục ngã trước áp lực vốn khả dĩ chịu đựng tốt trước đây khi còn hai chốt chặn!
Dự phòng “nhổ đi” xóa bỏ răng khôn, chính là phá đi sự vững chắc cần có được của toàn bộ hệ thống “răng lược” mà bà mẹ tự nhiên đã giao trọng trách cho “răng khôn” mang vác!
Người ta đã không suy nghĩ đủ dài để nhận ra căn nguyên xô lệch sau này của hàm răng đã lấy mất răng số 8, bởi họ tự tin vào khả năng “can thiệp hỗ trợ” của thị trường dịch vụ nha khoa, và bởi có cả trăm lý do quy cho người chủ mất răng khôn phải gánh chịu cho việc xô lệch răng xẩy ra!
Bà mẹ thiên nhiên không hề “rối trí” khi cho mọc những chiếc răng khôn của mình vào thời điểm khi cấu tạo xương hàm đã đủ cứng, nướu đa ổn đinh phủ kín và chắc trên xương hàm. Ngẫm cho kỹ, thì đấy là sự hoàn hảo tài tình của tạo hóa để chiếc răng khôn trong quá trình vươn lên được rèn luyện có đủ độ vững chắc đảm nhiệm phận sự của mình- Người Lính Chốt Chặn Tiền Phương.
Chức năng chốt chặn tiền phương, đòi hỏi và cho phép nó thực hiện việc “xô đẩy” trước hết vào răng số 7, và qua răng số 7 lần lượt tới các răng lược bên trong để tạo sự vững chắc cần thiết! Quá trình mọc “đâm ngang dị thường” thực ra là “bình thường” và hết sức thiết yếu để thực hiện chức năng “chống đẩy” “hỗ trợ” kiêm “rèn luyện” các răng hàm số 7, số 6 thêm đảm bảo chắc chắn để đảm nhiệm chức năng nhai nghiền! “Xô đẩy” không phải là biến chứng! Đừng chụp phim thấy xiên ngang rồi kết luận “phải can thiệp”! Đó là chức năng thiên tạo để củng cố sự vững chắc cho 2 răng kế cạnh thực hiện tốt “chức năng nhai nghiền”, tiếp thêm là ổn đinh độ vững chắc của toàn bộ hàm răng.
Tiến trình “gia cố” đó, đòi hỏi phải được thực hiện dần dần, liên tục tí một, tí một, và vì thế nó khi cần thiết phải “xiên ngang”, nó phải “mọc chậm”, không thể “nhanh cho xong”! Bà mẹ thiên nhiên không có lối “làm hàng chợ”.
RĂNG SỐ 8: CĂN NGUYÊN GÂY BỆNH RĂNG MIỆNG?
Và người ta cũng thật táo tợn khi quy răng số 8 là “căn nguyên” gây bệnh răng miệng!
Thế nào là căn nguyên gây bệnh răng miệng?
Người chủ không vệ sinh răng miệng của mình thường xuyên, đúng cách sau khi ăn nhai dẫn đến hình thành bệnh hay là “tại sự có mặt chậm trễ của răng số 8”, tại “vị trí mọc” chỗ khó khăn “tăm tối” dẫn đến dễ kẹt, giắt thức ăn.. để rồi “dự phòng bệnh bằng cách nhổ bỏ”?
Do những “đặc điểm dị thường” của răng số 8 trong quá trình mọc gây nên “ nhiều biến chứng nguy hại”, hay do lối tư duy thiếu khách quan, nhìn “thời điểm, bộ phận” mà không có được cách “nhìn cả quá trình, cả hệ thống” của một bộ phận giới nha sĩ dẫn đến không nhận ra “chức năng thiên tạo” của răng số 8, không giải thích được tiến trình hình thành phát triển tự nhiên cần có của răng số 8, để rồi chuyển từ cái “bình thường, tự nhiên” thành cái “bất thường, căn nguyên” gây bệnh răng miệng?
Do hoàn toàn người chủ với hàm răng “trời cho” của mình, với sự có mặt của 4 chiếc răng số 8 “dư thừa” là mầm mống gây hậu họa cho sức khỏe người mang, hay chính y lệnh “dự phòng bệnh răng miệng bằng thực hiện phá bỏ răng số 8”, lấy mất đi chốt chặn tiền phương phải có của hàm răng lược, gây yếu đi tính hệ thống cần thiết của hàm răng tự nhiên, gây hậu quả xô lệch sau này, để rồi lại can thiệp, lại gây mê, gây tê.. kèm theo bao biến chứng thuốc men khác đổ lên đầu người bệnh?
Nghĩ như thế, quả thấy sợ khi người ta dám công khai kêu gọi nhổ bỏ dự phòng những chiếc “răng khôn” mà người mẹ thiên nhiên đã dày công ưu ái dành cho!
Nhổ răng khôn: Khôn hay dại? câu trả lời tùy bạn đọc phán xét.
TB. Những bạn đã tranh luận với tôi trong vài ngày qua về sự cần thiết phải nhổ bỏ răng khôn, nay đọc bài này, lại vẫn muốn “lật đổ” những lập luận nêu trên của tôi, thì xin các bạn lưu ý thêm, trước khi đưa ra các bằng chứng bệnh tật gây bởi răng số 8 để bảo vệ “chân lý” dự phòng của các bạn, hãy dịch giúp tôi đoạn thông tin dưới đây:
“The National Institute for Health and Clinical Excellence (NICE) introduced guidelines in March 2000 to provide guidance for dentists and surgeons on deciding whether or not wisdom teeth should be removed. NICE concluded that there was no reliable research evidence to support a health benefit to patients from prophylactic removal of wisdom teeth and issued the following guidance:
(1) The routine practice of prophylactic removal of pathology-free impacted
third molars should be discontinued in the National Health Service.
(2) Surgical removal of impacted third molars should be limited to those with
evidence of pathology, such as the following:..”.
third molars should be discontinued in the National Health Service.
(2) Surgical removal of impacted third molars should be limited to those with
evidence of pathology, such as the following:..”.
Và nếu có băn khoăn về nguồn gốc của nó, thì xin mời: vào đây
ĐÃ ĐỦ BẰNG CHỨNG CẦN NGĂN CHẶN NHỔ RĂNG KHÔN DỰ PHÒNG ĐẠI TRÀ?
Bài viết trước (Nhổ “răng khôn”: Khôn hay Dại? ) chủ ý tôi cung cấp một cách nhìn thật đơn giản, dễ hiểu giúp người dân nói chung hình dung được câu chuyện “nhổ dự phòng răng số 8” để tự “phản tỉnh” trước thông tin “nhổ sớm, nhổ tất, nhổ cùng một lúc, nhổ không đau’ đang được quảng cáo công khai bởi một số “trung tâm nha khoa” ở nước ta. Dù viết “dân dã” nhưng vì bàn vấn đề có thể “động chạm” nên đã cẩn trọng đưa “bằng chứng chuyên môn” vào phần tái bút Đó là khuyến cáo về nhổ răng số 8 của “Viện quốc gia Anh Quốc vì Sức khỏe tốt và thực hành lâm Sàng tốt” ( The National Institute for Health and Clinical Excellence- NICE), lại để nguyên tiếng Anh để lưu ý “người có nghề”.
Với “bằng chứng” rõ ràng như vậy, nhưng lại vẫn nhận được một số phản hồi không đáng có từ một số nha sĩ, đồng thời trong tuần lại “ngẫu nhiên” xảy ra trường hợp phụ nữ nhổ răng số 8 chết tại bệnh viện ở Hải phòng, khiến tôi thay đổi ý tưởng ban đầu về viết bài thứ hai. Thay vì viết dự phòng cho người dân chăm sóc răng miệng, bài này chuyển sang cung cấp bằng chứng để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách y tế cần quan tâm ngay tới vấn đề này trên quan điểm dự phòng một hiểm họa sức khỏe cộng đồng.
NHỔ DỰ PHÒNG RĂNG KHÔN: HIỂM HỌA SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG?
Vâng, bởi đây là kết luận, và hoàn toàn không khó hiểu đến từ bài báo khoa học đăng trên tạp chí American Journal of Public Health ((The Prophylactic Extraction of Third Molars: A Public Health Hazard; Jay W. Friedman. Am J Public Health. 2007 September; 97(9): 1554–1559). Bài nêu và phân tích chỉ ra tất cả các “luận điểm chính”, mà dựa vào đó ngành “công nghiệp răng” quốc tế thúc đẩy xu hướng “nhổ sớm, nhổ tất” răng số 8, đều không đáng tin cậy. Và nước Mỹ, ngoài phí tổn trên 3 tỷ đô la cho việc nhổ “10 triệu răng số 8” từ “5 triệu người” mỗi năm, còn để lại phí tổn sau mổ 11 triệu ngày-bệnh nhân sống trong tình trạng “khó chịu và bệnh tật” đúng theo định nghĩa khoa học của từ này, và hơn 11 ngàn người bị paresthesia mất cảm giác vĩnh viễn- tê môi, lưỡi, và má- là hậu quả của tổn thương dây thần kinh khi làm thủ thuật.
Bài báo này, là một trong những bài tham khảo cơ bản để năm 2008, HIêp Hội Y tế Công Cộng Mỹ (American Publlic Health Association), ra tuyên bố chính sách “phản đối nhổ dự phòng răng số 8” ( Opposition to Prophylactic Removal of Third Molars (Wisdom Teeth) với 5 điểm chính, trong đó, điểm số 5 trực tiếp kêu gọi mọi tổ chức y tế công cộng và các tổ chức nghề nghiệp về răng truyền tải rộng rãi thông tin giải thích tại sao không khuyến cáo nhổ dự phòng răng khôn cho dân (5. Urges all public health agencies and dental professional organizations to disseminate information explaining why prophylactic removal of third molars is not recommended..) (https://www.apha.org/…/opposition-to-prophylactic-removal-o…)
Đấy là ở nước Mỹ.
Còn nước Anh, trước đó cả gần chục năm, viện NICE sau khi lập ủy ban xem xét các bằng chứng cho việc nhổ răng số 8, đã đi đến kết luận (https://www.nice.org.uk/guidance/ta1/chapter/3-Evidence):
(1) không có bất cứ bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào cho thấy “đưa lại lợi ích sức khỏe cho người bệnh” từ việc nhổ dự phòng răng số 8 không bệnh loại “bị kẹt” không trồi được lên (There is no reliable research evidence to support a health benefit to patients from the prophylactic removal of pathology-free impacted third molar teeth).
(2) Mọi thủ thuật nhổ bỏ răng 8 “bị kẹt” không bệnh đều mang nguy cơ gây hại cho bệnh nhân, bao gồm tổn thương tạm thời hay tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh, viêm xương ổ răng, nhiễm trùng hay chảy máu, và các tổn thương tạm thời như sưng tại chỗ, đau, và hạn chế mở miệng. Ngoài ra còn có các nguy cơ liên quan tới vấn đề gây mê, gây tê, bao gồm cả xảy ra tử vong không thể tiên lượng trước, dù là hiếm. Do vậy, chỉ định mổ răng 8 bị “kẹt” khi không có bằng chứng bệnh đã đẩy bệnh nhân bị phơi nhiễm với những nguy cơ này để lấy một thủ thuật không cần thiết!
Thiết tưởng các bằng chứng trên là đủ để hình dung cơ sở khoa học cho việc nhìn nhận vấn đề nhổ dự phòng “răng khôn” bị kẹt không bệnh một cách đại trà mà một số trung tâm nha khoa đang cổ xúy ở Việt nam!
AI ĐỨNG LÊN HÀNH ĐỘNG?
Bài báo của Jay W. Friedman, tuyên bố của hội y tế công cộng Mỹ, hay kết luận 1 của viện NICE, nêu rõ việc nhổ như vậy không đem lại lợi ích sức khỏe cho bệnh nhân.
Đừng hỏi tôi “Thế thì lợi ích có được đem lại cho ai? “.
Đừng hỏi tôi “Thế thì lợi ích có được đem lại cho ai? “.
Vậy các “trung tâm nha khoa” ở Việt nam sau khi đọc bài viết này có bao nhiêu trung tâm, bao nhiêu nha sĩ sẽ đi đến quyết định xem lại những gì mình làm và ..ra quyết định tuân thủ khuyến cáo của viện NICE về nhổ răng 8?
Câu trả lời dành cho bạn đọc !
Và những người tôi biết, đang làm chính sách y tế, hãy cho tôi câu trả lời: Ai, và bao giờ sẽ có hành động?
Austin, 17.3.2018
T.Tuấn
—-
Chú thích: VIện NICE tên đầy đủ là: The National Institute for Health and Clinical Excellence (Viện quốc gia Anh Quốc vì Sức khỏe tốt và thực hành lâm Sàng tốt” là cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra tiêu chuẩn và các hướng dẫn thực hành cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe nước Anh tuân thủ (cả ở hệ thống bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng). Tìm hiểu thêm: www.nice.org.uk.
T.Tuấn
—-
Chú thích: VIện NICE tên đầy đủ là: The National Institute for Health and Clinical Excellence (Viện quốc gia Anh Quốc vì Sức khỏe tốt và thực hành lâm Sàng tốt” là cơ quan chịu trách nhiệm đưa ra tiêu chuẩn và các hướng dẫn thực hành cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe nước Anh tuân thủ (cả ở hệ thống bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng). Tìm hiểu thêm: www.nice.org.uk.
Nguồn tham khảo:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét