QUAN NIỆM CHUẨN 1: ” SỨC KHỎE LÀ ƯU TIÊN SỐ 1″
Một lần Toàn có cơ hội tham gia một khóa học của một vị tiến sĩ đến từ Malaysia, có hai bằng chuyên môn bên lĩnh vực tế bào học. Nhưng điều lạ là trong suốt 02 giờ đồng hồ người tiến sĩ đó chỉ phân tích một con số, nhưng đã khiến cho hơn 500 người thay đổi quan niệm về sức khỏe. Ngày hôm nay Toàn mượn con số đó để hỗ trợ các anh, chị tìm hiểu quan niệm đầu tiên về sức khỏe.
Nếu giả sử chúng ta có 1.000.000 USD các bạn sẽ làm gì?
Có một số anh chị sẽ chọn mua nhà, mua xe, du lịch vòng quanh thế giới, chọn vợ, gả chồng, báo hiếu cha mẹ, giúp đỡ người khác… và nếu còn các con số 0 ngoài sau, chúng ta sẽ làm được nhiều điều. Ở đây Toàn lấy con số 1 đại diện cho chính sức khỏe của chúng ta, cho chính sinh mệnh của chúng ta. Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu con số 1 này không tồn tại hoặc mất đi. Có phải: những gì chúng ta sở hữu không còn ý nghĩa.
Có một người tỷ phú, không may bệnh và mất sớm, một tháng sau vợ của mình kết hôn với người tài xế, trong lúc cao hứng người tài xế đã nói: “Sáu năm trước tôi nghĩ là tôi làm công cho ông chủ, nhưng ngẫm lại có thể suốt cuộc đời ông chủ đã làm công cho tôi”.
Sự thật của cuộc sống là vậy, sức khỏe của chúng ta mất đi, như con số 1 mất đi thì tất cả con số 0 đứng sau trở nên vô nghĩa.
Trong cuộc sống Toàn hiểu tất cả các anh, chị đều có mối quan tâm riêng, và thứ tự ưu tiên trong cuộc đời mỗi người mỗi khác. Có thể một số người ưu tiên gia đình là số một, ăn học của con là hàng đầu, bằng cấp là quan trọng nhất, hay hưởng thụ cuộc sống là quan trọng, một số người lại chọn hiếu tử, một số người cho rằng con đường đạo là quan trọng nhất… tất cả những ưu tiên đó không có khái niệm đúng, sai.
Nhưng các anh, chị nghĩ sức khỏe nên là ưu tiên hàng đầu hay không? Thông qua ví dụ của người tiến sĩ đó chúng ta nên ngẫm lại tất cả những gì chúng ta sở hữu nếu không còn sức khỏe sẽ thế nào? Có phải trở nên vô nghĩa? Nên người có quan niệm ưu tiên sức khỏe là số 1 thì người đó có khả năng khỏe mạnh.
Trong bài viết này Toàn đã hỗ trợ cho tất cả các anh, chị có quan niệm chuẩn hơn về sức khỏe. Nếu có thể, hãy hứa với Toàn, từ giờ trở đi hãy xem sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, là số một. Với sự cam kết đó Toàn chắc chắn chúng ta sẽ có một sức khỏe tốt nhất.
QUAN NIỆM CHUẨN 2: “DÙNG KIẾN THỨC ĐỊNH HƯỚNG SỨC KHỎE!”
Năm 28 tuổi thì Toàn đã kết hôn, đến năm 29 tuổi, trong một buổi sáng khi đánh răng, Toàn than phiền với vợ rằng: cứ mỗi lần đánh răng là chảy máu chân răng. Khi đó, với kiến thức và kinh nghiệm đã từng làm bên nha khoa, vợ Toàn cho Toàn lời khuyên đánh răng như thế nào là đúng cách, và Toàn mới ngộ rằng suốt 29 năm mình đánh răng không đúng, đã làm tổn thương nướu.
Năm 29 tuổi mới thực sự biết đánh răng? Trong đầu Toàn đặt ra một câu hỏi rất đặc biệt: Tại sao 29 tuổi mình mới biết đánh răng đúng cách? Phải chăng tất cả hành vi của mình là do mô phỏng những người xung quanh?
Trong giây phút đó cuộc sống của Toàn đã tỉnh thức. Mình sống được đến ngày hôm nay cũng do kiến thức quyết định, nhưng thực sự không hay biết điều đó: thấy người khác nhậu không có vấn đề, mà lại còn có sự vui vẻ – mình nhậu. Thấy người khác hút thuốc không có vấn đề – mình hút thuốc. Thấy một người lái xe lạng lách, hậu quả bị tai nạn – từ đó mình chạy xe cẩn thận.
Nhưng thấy một người uống thuốc trừ sâu lăn ra chết, trong vô thức chúng ta nói cái này thử không được. Cuộc sống thực sự nguy hiểm nếu chúng ta không biết rằng có cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay đều do kiến thức mang lại, nên hãy dùng kiến thức định hướng cuộc sống của chính mình.
Có kiến thức về quản lý tài chính – đỡ đau khổ về thiếu hụt tiền. Có kiến thức về kinh doanh tình yêu thương, thì gia đình sẽ hạnh phúc. Có kiến thức về giáo dục con cái thì sự trưởng thành của con cái không còn là vấn đề lo lắng của cha mẹ.
Tương tự như vậy đối với sức khỏe chúng ta thực sự rất cần có kiến thức. Chỉ khi có kiến thức chúng ta mới định hướng được sức khỏe của chính mình, kiến thức không quyết định toàn diện về sự khỏe mạnh, nhưng kiến thức là chìa khóa để khỏe mạnh.
Vậy quan niệm chuẩn thứ 2 về Sức khỏe là: DÙNG KIẾN THỨC ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG SỨC KHỎE.
Trong bài viết này Toàn đã chia sẻ với các anh chị về: kiến thức quan trọng đối với sức khỏe như thế nào? Vì vậy Toàn rất mong các anh chị là: liên tục học tập và cập nhật kiến thức từ sách vở, mạng xã hội, những người có kiến thức và kinh nghiệm… như vậy thì mới giúp các anh chị định hướng, chủ động chăm sóc và có sức khỏe tốt trong tương lai…
QUAN NIỆM CHUẨN 3: “SỨC KHỎE CẦN BẢO DƯỠNG!”
Để hiểu rõ nội dung này chúng ta cần làm rõ thuật ngữ “Bảo dưỡng”. Theo các anh, chị bảo dưỡng là gì?
Bảo dưỡng có phải là bảo vệ, kiểm tra và chăm sóc thường xuyên hay có định kỳ?
Việc chúng ta kiểm tra thường xuyên và chăm sóc có định kỳ một đồ dùng hay vật dụng gì đó, có phải chúng ta đã bảo dưỡng nó? Kết quả là nó giúp ta sử dụng hiệu quả, an toàn, giảm chi phí sửa chữa do hư hỏng nặng, và dùng được bền lâu?
Ví dụ: chúng ta hay kiểm tra và thay nhớt chiếc xe gắn máy theo định kỳ 1500 km hoặc 1 đến 2 tuần – tùy vào tính chất công việc. Việc kiểm tra và thay nhớt cho chiếc xe theo định kỳ có phải là chúng ta đang bảo dưỡng?
Vậy trong cuộc sống chúng ta đã từng bảo dưỡng những gì? Có phải là máy tính, tủ lạnh, máy giặt,… có phải rằng những vật dụng có bảo dưỡng sẽ an toàn, bền và sử dụng được lâu dài hơn vật dụng không bảo dưỡng?
Một chiếc xe đạp, một chiếc xe máy, một chiếc xe hơi,… chiếc xe nào chúng ta sẽ bảo dưỡng thường xuyên hơn? Có phải cái gì càng đắt giá tần suất bảo dưỡng càng thường xuyên?
Vậy thì đặt ra câu hỏi đặc biệt: Sức khỏe chúng ta thực sự giá bao nhiêu? Và con người được định giá như thế nào?
Có một anh chàng thanh niên vì làm ăn thất bại, tất cả những tài sản đã tiêu tan trong phút chốc. Chàng thanh niên buồn và khóc ở công viên. Ngay thời điểm đó có một nhà thông thái đi ngang, nhìn thấy chàng thanh niên, nhà thông thái mới hỏi:
– Tại sao anh ngồi ở đây, buồn và khóc vậy?
Sau khi nghe đầu đuôi câu chuyện về sự thất bại trong cuộc sống của chàng thanh niên nhà thông thái mới hỏi:
– Anh thật sự cần tiền?
Chàng thanh niên:
– Dạ!
– Anh cần 3 triệu?
Chàng thanh niên chưa trả lời, nhà thông thái ngay lập tức đã nói:
– Tôi sẽ gửi anh 3 triệu, với điều kiện anh hãy cắt ngón tay cái cho tôi.
– Có 3 triệu mà ông muốn mua ngón tay cái của tôi à?
– Vậy anh cần bao nhiêu? 30 triệu? Anh hãy cắt bàn tay cho tôi?
– Bàn tay tôi chỉ có giá 30 triệu à?
– Vậy 70 triệu? Hãy cắt cánh tay cho tôi.
– Cánh tay của tôi chỉ đáng giá bao nhiêu đó thôi sao?
– Vậy thực sự anh cần bao nhiêu tiền? Tôi sẽ gửi anh 1 tỷ, với điều kiện sinh mạng của anh thuộc về tôi.
Trong giây phút đó chàng thanh niên bỗng dưng sáng suốt:
– ông đưa tôi một tỷ và sinh mạng của tôi trao cho ông, lúc đó mạng tôi còn đâu để xài tiền?
Nhà thông thái cười và nói với chàng thanh niên: anh còn một vật rất quý giá, nếu biết dùng nó, cuộc sống anh sẽ thay đổi – đó chính là sức khỏe của anh.
Trong giây phút đó chàng thanh niên chợt tỉnh thức: mình có thể mất đi tất cả nhưng chỉ cần còn sức khỏe, còn sinh mệnh này mình có thể có được tất cả mọi thứ trong tương lai.
Vậy: Thật sự sức khỏe của một con người đáng giá bao nhiêu?
Theo cách tính của Giáo sư G. Maravich – Đại học Yale – Mỹ thì giá trị của con người theo khoa học thuần túy là hơn 1 tỷ USD.
Vật dụng gì của chúng ta có giá trị như vậy? Vậy thì xứng đáng để bảo dưỡng nhất không phải cái gì khác mà chính sức khỏe của chúng ta. Lời khuyên chân thành của Toàn đối với tất cả anh, chị sức khỏe hãy bảo dưỡng. Vì việc bảo dưỡng sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn!
QUAN NIỆM CHUẨN 4: “SỨC KHỎE ĐẾN TỪ NHÀ BẾP KHÔNG PHẢI ĐẾN TỪ NHÀ THUỐC!”
Chắc hẳn các anh, chị đã từng nghe câu nói : “Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào”. Câu nói đó nói lên tầm quan trọng của việc ăn, uống liên quan tới sức khỏe. Ngày xưa Toàn chưa thật sự hiểu được ý nghĩa của nó.
Nhưng từ khi tham gia những khóa học về dinh dưỡng, các chuyên gia hàng đầu bên lĩnh vực này thường hay nói “Sức khỏe đến từ nhà bếp, không phải đến từ nhà thuốc”. Dần dần câu nói đó đã ăn sâu vào tiềm thức của Toàn. Ngày hôm nay, Toàn muốn mượn câu nói đó, để hỗ trợ dẫn dắt các anh, chị đến quan niệm chuẩn thứ 4 này, đó là “ Sức khỏe đến từ nhà bếp chứ không phải đến từ nhà thuốc”.
Để giúp các anh, chị thấu hiểu hơn về các quan niệm đó, Toàn xin mượn những câu nói, những nhận định của các danh y, và những người nổi tiếng.
Nếu các anh, chị là người trong ngành hoặc quan tâm đến sức khỏe, chắc hẳn đã từng nghe ông tổ của ngành y học hiện đại Hippocrates đã từng nói:
“Hãy xem thực phẩm như thuốc – Hãy dùng thực phẩm như thuốc”
Hay ông tổ của ngành y Việt Nam – Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác) đã từng nói: “Dùng thuốc uống để trị bệnh là hạ sách! Còn thượng sách là không dùng thuốc mà trị được bệnh, giữ gìn sức khỏe”
Hay biên tập viên nổi tiếng Doug Larson cũng nói: “Tuổi thọ sẽ tăng trưởng nhảy vọt nếu các loại rau xanh có mùi vị như thịt xông khói”
Và ngay cả nhà phát minh vĩ đại thế giới Thomas Edison cũng nhận định: “Các bác sĩ tương lai sẽ không trị bệnh bằng thuốc nữa, mà thay vào đó là phòng và trị bệnh bằng dinh dưỡng”
Trong số các anh, chị đang ở đây chắc hẳn cũng hiểu được tầm quan trọng của ăn, uống đối với sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chúng ta không thông suốt quan niệm này, mọi bệnh tật chúng ta đều dựa vào thuốc, thì rất khó để có thể khỏe mạnh. Vì vậy hãy quan tâm từ ngay chính bữa ăn hàng ngày của gia đình mình. Những bài viết sau Toàn sẽ chia sẻ cho các anh, chị sâu sắc về những điều này.
QUAN NIỆM CHUẨN 5: “BÁC SĨ TỐT NHẤT LÀ CHÍNH MÌNH!”
Ngay từ thời phổ thông Toàn đã biết đến bộ sách “Bác sĩ tốt nhất là chính mình” viết rất nhiều về cơ thể con người và những mẹo chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Toàn chưa cảm thụ được hết ý nghĩa của tựa đề bộ sách đó.
Khi bắt đầu bước vào ngành y học dinh dưỡng, nghiên cứu và hiểu hơn về sự vận hành của cơ thể con người, Toàn cảm nhận thực sự chỉ có mình mới có thể cứu được bản thân mình, và Bác sĩ tốt nhất thực sự trên đời này chính là chính mình.
Nên thông qua bài học này, với quan niệm “Bác sĩ tốt nhất là chính mình” Toàn hy vọng sẽ hỗ trợ cho các anh, chị hiểu hơn về quan niệm chuẩn này. Chắc hẳn trong số các anh, chị đã từng đi khám bệnh hoặc là giao tiếp với người có chuyên môn, có phải sự bất ổn về sức khỏe – chúng ta thường nêu ra cho người có chuyên môn nghe, để thông qua những gì họ học tập và trải nghiệm – họ kết luận chúng ta có vấn đề gì về sức khỏe.
Bởi vì: “Bác sĩ chỉ kết luận và điều trị theo những gì họ hiểu biết và suy nghĩ”.
Vậy người đầu tiên hiểu về bệnh của chúng ta chính là mình.Mình là người hiểu rõ nhất về sự bất ổn của con người mình. Chỉ cần chúng ta có kiến thức để nhận định vấn đề đó thực sự phát sinh do đâu, và tên gọi của nó là gì? Thì chúng ta là người bác sĩ tốt nhất cho chính mình.
Tuy nhiên, ý nghĩa của việc “Bác sĩ tốt nhất là chính mình” còn một ý nghĩa khác như ông tổ ngành y hiện đại đã chỉ ra “Bản năng của người bệnh là thầy thuốc của họ, thầy thuốc chính là sự giúp đỡ của bản năng”. Khi ngón tay của chúng ta bị đứt, máu chảy ra một chút thì đông lại, khoảng một tuần sau thì vết thương liền miệng. Ruột chúng ta bị rách, mất một đoạn, không sao cả; phổi bị hư mất một bên, cũng không sao. Năng lực tái sinh của cơ thể chúng ta rất mạnh mẽ. Bản thân chúng ta có thể duy trì trạng thái tốt cho chúng ta, tự thân cơ thể chúng ta có khả năng làm cho nó khỏe mạnh lên, vì thế mà nói, bản năng của người bệnh chính là bác sĩ của họ, bác sĩ tốt nhất là chính bản thân họ.
Đương nhiên khi nói: bác sĩ tốt nhất là bản thân chúng ta – không có nghĩa là nói khi chúng ta có bệnh cũng không cần phải đi bệnh viện nhờ bác sĩ, mà ở đây muốn nói: lúc nào thì nên đi tìm bác sĩ, cho dù có được sự chỉ dẫn của danh y, bản thân mình cũng phải hiểu biết bệnh tình của mình, và lời dặn dò của bác sĩ, như thế mới có thể phối hợp trị liệu một cách tốt nhất. Quan trọng hơn nữa, phải hiểu rõ tình trạng cơ thể mình khi không có bệnh, chăm sóc hợp lý cho sức khỏe mình, biết yêu quý bản thân mình, làm bác sĩ cho chính mình.
Hy vọng trong những phần sau Toàn sẽ hỗ trợ cho các anh, chị hiểu hơn về sự vận hành của cơ thể con người theo nguyên lý của Đông và Tây y. Đồng thời hiểu biết sâu sắc về vai trò của dinh dưỡng đối với sức khỏe; khi đó, người bác sĩ tốt nhất chính là chúng ta.
QUAN NIỆM CHUẨN 6: “SỨC KHỎE LÀ TỔNG HÒA NHIỀU YẾU TỐ!”
Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, các anh, chị có để ý chúng ta thường cho lời khuyên rất chân thành với người thân của mình:ngủ sớm đi, ăn nhiều vào, tối ngày không vận động gì hết, chơi thể thao đi… đâu đó anh, chị hiểu được sức khỏe cần nhiều yếu tố.
Nhưng thật sự sức khỏe tối ưu của một con người đến từ các yếu nào?
May mắn cho cá nhân Toàn thông qua những khóa học về y học dinh dưỡng được các chuyên gia tổng hợp 4 yếu tố nền tảng cho một sức khỏe tối ưu. Nhân cơ hội trong nội dung này Toàn sẽ hỗ trợ các anh, chị hiểu sâu sắc về nó.
Hình ảnh các anh, chị nhìn thấy chính là cái bàn có 4 chân – giống như sức khỏe chúng ta muốn vững mạnh cần có 4 yếu tố.
– Thứ nhất: tinh thần.
– Thứ 2: vận động.
– Thứ 3: ngủ nghỉ.
– Thứ 4: dinh dưỡng.
Khi tinh thần chúng ta lạc quan, vận động hợp lý, ngủ nghỉ điều độ, dinh dưỡng cân bằng, sức khỏe chúng ta sẽ đạt đến trạng thái tối ưu.
Đề cử như Giấc ngủ của một con người, thời lượng ngủ, chất lượng ngủ quyết định rất lớn đến sức khỏe của họ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu: khi chúng ta ngủ là thời điểm để công năng phục hồi, sửa chữa, sản xuất và bài thải rác thải của cơ thể phát huy tác dụng.
Theo nghiên cứu của Tây y: con người khi ngủ máu và nước sẽ đổ về não nhiều hơn, giúp giảm stress và áp lực, làm sạch rác thải, làm cho tinh thần sảng khoái và tươi tỉnh.
Theo nguyên lý Đông y: đồng hồ sinh học của các bộ phận trên cơ thể người liên quan mật thiết đến giấc ngủ. Ví dụ:
– Từ 21h – 23h là thời gian hệ miễn dịch đào thải chất độc.
– Từ 23h đến 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan.
– Từ 1h đến 3h sáng là thời gian bài độc của mật.
– Từ 3h đến 5h sáng là thời gian bài độc của phổi.
– Từ 23h – 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu nên cần ngủ say, không nên thức khuya.
Qua đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của giấc ngủ và nghỉ ngơi hợp lý.
Những khía cạnh còn lại Toàn sẽ hỗ trơ các anh,chị trong các bài viết sau. Tuy nhiên các anh, chị giúp Toàn hiểu được nấu chốt của Quan niệm này: Sức khỏe phải nhiều yếu tố, không phải chỉ một khía cạnh nào đó.
Và Sức khỏe tối ưu cần 4 yếu tố: Tinh thần lạc quan – Ngủ nghỉ hợp lý – Vận động hợp lý và Dinh dưỡng cân bằng.
Sau khi hiểu về 6 quan niệm chuẩn về sức khỏe :
🎉 Sức khỏe là ưu tiên số 1.
🎉 Dùng kiến thức để định hướng sức khỏe.
🎉 Sức khỏe cần bảo dưỡng.
🎉 Sức khỏe đến từ nhà bếp không phải đến từ nhà thuốc.
🎉 Bác sĩ tốt nhất là chính mình.
🎉 Sức khỏe là tổng hòa của nhiều yếu tố.
Để có thể khỏe mạnh chúng ta cần hiểu sự vận hành của cơ thể con người và hiểu biết sâu sắc vai trò của dinh dưỡng.
✈✈✈ Bài viết sau Toàn sẽ hỗ trợ các anh,chị hiểu sâu sắc : “Cơ thể con người tạo từ đâu?”
Cảm nhận giá trị hãy hành động theo cách của bạn!
Chúc các anh, chị sức khỏe và thành công!
cám ơn anh đã chia sẻ, rất tâm huyết ạ
Trả lờiXóa